Lợn nuôi bằng đệm lót sinh học

20/07/2022
Bạn có biết: Lợn được chăn nuôi theo mô hình sinh học vừa tiết kiệm chi phí, vừa cho năng suất cao, lại cho ra sản phẩm thịt vô cùng tươi ngon, sạch sẽ và an toàn chưa ?? Thực phẩm sạch Bologa sẽ cung cấp thông tin về mô hình này dưới đây để các bạn cùng tham khảo nhé

1. Giới thiệu về đệm lót sinh học nuôi heo 

Đệm lót sinh học là hỗn hợp chất độn bao gồm trấu, mùn cưa, cùi ngô nghiền nhỏ cùng với men vi sinh để tạo thành miếng lót nền chuồng chăn nuôi. Công dụng của nó là để phân hủy nước tiểu, phân của heo thông qua sự hoạt động của vi sinh vật chứa trong đệm lót.

Một số ưu điểm của đệm lót sinh học nuôi heo bao gồm:

  • Loại bỏ gần như hoàn toàn mùi hôi của nước tiểu, phân của vật nuôi bởi các chất thải này đã bị tiêu hủy trên nền đệm lót. Nhờ đó mà môi trường nuôi heo luôn đảm bảo sự sạch sẽ, thông thoáng. Thậm chí còn giúp các hộ nông dân có thể mở rộng mô hình chăn nuôi này trong khu vực đông dân cư. 
  • Giảm chi phí nhân công, tiết kiệm điện, nước mà không cần phải tắm rửa chuồng heo như kiểu chăn nuôi truyền thống. 
  • Hạn chế bệnh thường gặp ở heo.
  • Tăng chất lượng của đàn heo cũng như chất lượng của thịt heo. 

2. Diện tích và cấu trúc xây dựng chuồng heo thích hợp làm đệm lót

– Chuồng heo cần phải có thiết kế hở, phần mái kéo, chiều rộng khoảng từ 4 đến 5m, chiều dài tùy ý. Riêng đối với phần chiều cao từ mái hiên tính xuống mặt nền phải đảm bảo độ cao từ 2.5m trở lên. Mật độ thích hợp để nuôi theo thịt là từ 12 đến 14 con cho diện tích chuồng 20m2. 

– Khi mới xây chuồng nền đất cần được nện chặt, không láng xi măng. Còn nếu chuồng cũ được cải tạo lại thì có thể làm đệm lót nổi trên mặt, phần nền xi măng có thể được giữ lại nhưng phải đục lỗ. Kích thước mỗi lỗ phải có đường kính 4cm, cứ cách 30m phải đục một lỗ là được. Song, theo các chuyên gia nếu có điều kiện bà con nên phá nền cũ và cải tạo nền cho chuồng mới.  

– Chuồng nuôi heo cần phải có hệ thống phun nước làm mát để giúp duy trì độ ẩm của đệm lót. 

– Máng ăn và vòi nước tự động phải thiết kế 2 phía đối lập nhau, qua đó giúp heo tăng sự vận động và làm đảo trộn chất độn nhiều hơn, giúp ích cho quá trình lên men. 

– Chiều cao của máng ăn phải hơn bề mặt của đệm lót khoảng 20cm. Mục đích là để chất độn không bị rơi vào máng. 

– Dưới vòi nước tự động nên thiết kế thêm máng để tránh nước chảy vào đệm lót. 

3. Cách thiết kế đệm lót

Xác định chiều cao nền chuồng

Việc xác định chiều cao của nền chuồng so với mặt nước như ao, hồ,… là các để giúp bà con có thể biết loại đệm lót nào phù hợp và tiến hành thực hiện. Cụ thể như sau:

– Loại đệm lót dưới mặt đất: Đối với loại đệm này bà con phải đào sâu xuống dưới lòng đất với độ sâu bằng với độ dày của đệm lót. Nếu mô hình chăn nuôi heo của bà con phát triển ở khu vực đất cao, có chiều cao hơn mặt nước xung quanh 1m khi vào mùa mưa nhiều nhất thì thích hợp lựa chọn loại đệm lót này.

– Loại đệm lót nổi trên mặt đất: Để làm loại đệm lót này bà con phải xây tường bao cao hơn một chút so với độ dày của đệm lót. Lựa chọn này thích hợp cho bà con nuôi heo ở vùng đất thấp, chiều cao hơn mặt nước xung quanh chỉ tầm 30 đến 40cm khi vào mùa mưa nhiều nhất.

– Đệm lót nửa dưới mặt đất: Đối với loại đệm lót này bà còn chỉ đào xuống dưới đất độ sâu bằng nửa độ dày của đệm lót. Nó là lựa chọn phù hợp với những ai ở vùng đất cao, vào những tháng mưa nhiều nhất thì chiều cao hơn mặt nước xung quanh khoảng 60 đến 70cm. 

Ngoài ra, tùy vào điều kiện chuồng trại được cải tạo hay xây dựng mới mà bà con lựa chọn thiết kế đệm lót chìm, nổi hay nửa nổi nửa chìm. Điều quan trọng nhất cần lưu ý đó là xem khu vực chuồng trại nằm ở vị trí cao hơn hay thấp hơn so với mực nước ở bên ngoài. Luôn duy trì sự khô ráo cho đệm lót, không để nước ở bên ngoài ngấm vào đệm lót gây hư hỏng.

Độ dày của đệm lót sinh học

Thông thường sau một khoảng thời gian sử dụng đệm lót chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ bị giảm thấp do vật nuôi dẫm và quá trình lên men. Vì thế, ban đầu khi mới thực hiện người nông dân thường tăng độ dày lên 20%. 

Giả sử, độ dày của đệm lót yêu cầu là 60cm thì ban đầu sẽ được tăng lên thêm 12cm. Hằng năm nếu quan sát thấy đệm lót bị giảm sút thì bà con cũng phải bổ sung thêm chất độn.

Chọn nguyên liệu và cách phối trộn

Khi chọn nguyên liệu để làm đệm lót sinh học bà con cần đảm bảo chúng phải có độ xơ cao, độ trơ cứng, không dễ bị mềm nhũn. Thành phần dinh dưỡng có trong các nguyên liệu này cũng đảm bảo đúng yêu cầu, không chứa chất độc hại và gây kích thích cho vật nuôi. 

Đối với mô hình nuôi heo bà con nên chọn nguyên liệu là mùn cưa, vỏ bào của những loại gỗ không bị độc. Còn nếu không có những loại nguyên liệu này bạn có thể chọn vỏ lạc, lõi ngô, trấu, thân cây ngô nghiền, vỏ cây bông, bã mía, xơ dừa,… Lưu ý, với vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô thì bà con có thể để nguyên hay cắt nhỏ với kích thước từ 3 đến 5mm là được. 

Về phương pháp phối trộn tùy theo mỗi nguyên liệu sử dụng để làm đệm lót như thế nào mà mỗi địa phương sẽ có quy trình thực hiện khác nhau. 

4. Quy trình làm đệm lót sinh học nuôi heo

Để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo thì bà con phải xác định diện tích chuồng trại, từ đó chuẩn bị nguyên liệu và nắm chính xác độ dày cần phải làm cho đệm lót là bao nhiêu. Trong bài viết này chúng tôi chia sẻ cách làm đệm lót với độ dày 60cm cho chuồng nuôi diện tích 20m2. 

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Sử dụng 100% mùn cưa hoặc 50% mùn cưa và 50% trấu. Số lượng khoảng 2 tấn để đảm bảo rải đủ độ dày đệm lót 60cm. Ngoài ra, bà con cũng có thể dùng sơ dừa, bã mía, vỏ lạc,… để thay thế. 
  • Bột ngô 15kg
  • Đệm lót sinh học Vbio 1 đến 2kg. 

Quy trình thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng

Nếu làm đệm lót chìm dưới mặt đất thì yêu cầu bà con phải đào nền chuồng sâu 60cm. Theo đó, bà con chỉ cần đào 2/3 diện tích nền chuồng để làm đệm lót, 1/3 diện tích còn lại để láng xi măng hay gạch. Phòng khi trời nắng, nhiệt độ bền ngoài cao thì có nơi để cho heo nằm. Trong trường hợp diện tích chuồng nuôi quá nhỏ bà con có thể đào để làm đệm lót toàn bộ.

Bước 2: Chế dịch men

Đây là công đoạn mà bà con phải làm trước 1 đến 2 ngày. Theo đó, cho 1kg men gốc và 10kg bột ngô vào trong thùng rồi sau đó cho thêm 200 lít nước sạch khuấy đều rồi đậy kín. Mang nó đến chỗ ấm để bảo quản trong thời gian 24 giờ là có thể sử dụng được.

Bước 3: Xử lý bột ngô

Cần xử lý bột ngô trước khi làm đệm lót từ 5 đến 7 giờ. Cách thực hiện cũng khá đơn giản, bà con chỉ cần lấy chừng 2 lít dịch men đã làm cho vào 5kg bột ngô rồi xoa ẩm đều. Cuối dung để ở chỗ ấm là được. 

Bước 4: Làm đệm lót chuồng nuôi heo

– Rải lớp trấu lên trên nền chuồng với độ dày 30cm.

– Dùng vòi nước phun như nước mưa lên lớp trấu để đảm bảo nó đạt được độ ẩm từ 20 đến 30% là được. Để kiểm chứng độ ẩm của trấu đã đạt tiêu cầu chưa bà con có thể bốc một nắm lên tay rồi nắm chặt. Nếu nước không chảy ướt tay, mùn cưa ẩm và tơi nghĩa là được. Trong quá trình phun nước bà con cũng phải đảo đều để các lớp trên và dưới đều được làm ẩm và giúp bề mặt được bằng phẳng, không bị đùn về một chỗ. 

– Tưới 100 lít dịch men lên phần bã ngô rồi rải đều nó lên bề mặt của lớp trấu. 

– Tiếp tục rải lớp mùn cưa với độ dày 30cm lên lớp trấu. Vừa rải vừa phun nước để làm ẩm đều các lớp. 

– Rải đều 5kg bột ngô đã được xử lý men lên lớp mặt của mùn cưa. Tưới 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa. Rắc đều phần bã ngô cuối cùng lên bề mặt của mùn cưa. 

– Dùng tay xoa đều lớp mùn cưa để nó được dàn trải ra mọi vị trí. 

– Tủ bạt hay nilon lên toàn bộ lớp đệm lót vừa làm được. Đợi sau 2 đến 3 ngày khi đệm lót lên men, bới sâu khoảng 30cm cảm giác ấm nóng, không có mùi nguyên liệu bốc lên thì nghĩa là bạn đã thực hiện đúng cách. 

Cách thả heo vào chuồng có đệm lót sinh học

– Nếu vào mùa mưa sau khi làm đệm lót sinh học xong bà con có thể thả heo vào ngay. Bởi vì thời tiết lạnh sẽ làm quá trình lên men chậm. Bà con cần tận dụng nhiệt độ cơ thể của vật nuôi để làm tăng quá trình lên men. 

– Nếu vào mùa khô thì sau 1 đến 2 ngày đầu men hoạt động mạnh ở nhiệt độ trên 40 độ C. Dưới độ sâu 30cm nhiệt độ có thể lên đến 70 độ C, tuy nhiên tình trạng này chỉ duy trì trong một thời gian ngắn. Sau vài ngày, nhiệt độ sẽ hạ dần. Nếu bới xuống 30cm mà nhiệt độ còn khoảng 40 độ C, mùi nguyên liệu không hắt ra, có mùi thơm của rượu nhẹ thì có thể dùng được. 

Lưu ý: Quá trình lên men kết thúc bà con hãy gỡ bỏ lớp ni lông hay bạt phủ ở phía trên. Cào sấu 20cm để đệm lót được tơi ra và thông khí chừng 1 ngày hãy thả heo vào. Ngoài ra, dù đệm lót làm bằng bất kỳ nguyên liệu nào thì cũng phải đảm bảo chia thành 2 lớp đệm để xử lý men như hướng dẫn ở trên. 

5. Cách sử dụng và bảo dưỡng đệm lót sinh học nuôi heo

Đệm lót sinh học trung bình có thể sử dụng được trong thời gian từ 2 đến 3 năm. Việc nó dùng được lâu hay mau là còn tùy thuộc vào cách dùng của hộ nông dân. Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của đệm lót sinh học. 

Đưa heo vào chuồng

Làm đệm lót sinh học đúng quy trình là chưa đủ, bà con còn phải biết cách đưa heo vào chuồng đúng chuẩn. 

– Trước khi thả heo vào chuồng phải nhặt phân từ đàn cần thả bỏ rải rác mỗi nơi một ít trên đệm lót. Như vậy sẽ tránh tạo thói quen heo tiểu tiện, đại tiện ở một nơi. 

– Heo thả vào chuồng phải cùng một ổ, trọng lượng tương đồng. Nếu thả heo khác ổ thì sẽ xảy ra tình trạng cắn nhau nhưng cũng khoảng 2 ngày là hết. Lúc này bà con cần dùng rượu phun lên mình và mũi heo bị cắn. 

– Heo mới thả vào môi trường mới có thể bị stress và ảnh hưởng đến công năng tiêu hóa ở dạ dày ruột. Vậy nên, thời gian đầu tiên chỉ cho heo ăn một lượng thức ăn xanh nhỏ. Sau dần mới tăng lượng thức ăn lên, kèm theo đó là bổ sung premix, khoáng và vitamin cho heo. 

– Vào mùa hè thời tiết quá nóng bà con cần lưu thông không khí bằng quạt. Hoặc có thể phun mù vào những giờ cao điểm, mỗi lần phun khoảng 5 đến 10 phút, khoảng cách mỗi lần phun khoảng 30 phút. Tránh phun quá nhiều sẽ gây ướt và hư hỏng đệm lót.

Mật độ thả nuôi

Mật độ chăn thả heo khi nuôi đệm lót sinh học cần đảm bảo như sau:

  • Đối với heo nhỏ hơn 20kg/con thì cần 0.8 đến 1m2/con.
  • Đối với heo từ 20 đến 60kg/con thì cần 1.2 đến 1.5m2/con.
  • Đối với heo lớn hơn 60kg/con thì cần 1.5 đến 2m2/con.

Các nhà nghiên cứu cho thấy với mật độ như trên sẽ đảm bảo phân hủy hoàn toàn phân và nước tiểu của heo. Đồng thời là cách kéo dài tuổi thọ đệm lót trong chăn nuôi heo hiệu quả nhất. 

Quản lý đệm lót

+ Đảm bảo độ ẩm của đệm lót

  • Tầng trên cùng của đệm lót cần đảm bảo độ ẩm 20% để giúp quá trình lên men và tiêu hủy phân tốt. Với độ ẩm này heo cũng sống thoải mái mà không gặp bất kỳ sự khó chịu nào. Da được sạch sẽ, không bị nổi ban, mẩn ngứa. 
  • Tránh để mưa hắt vào chuồng heo hay nước từ vòi uống làm ướt đệm lót. Nếu chẳng may đệm lót bị ướt phải bổ sung thêm chất độn lót khô. 
  • Khi thấy đệm lót bị khô cần phun nước bằng vòi phun sương. 

+ Đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót

  • Đệm lót tơi xốp thì việc phân hủy mới được nhanh chóng. Vậy nên, hằng ngày bà con cần chút ý xới tơi đệm lót sâu khoảng 15cm. Đặc biệt chú ý đến những chỗ đệm lót có hiện tượng bị kết tảng. 

+ Quan sát phân thường xuyên

  • Nếu phân tụ quy về một chỗ nhiều thì phải vùi lấp ngay. 
  • Khi phân nhiều không thể phân hủy được thì phải mang đi. Trường hợp này thường xảy ra với heo có trọng lượng từ 60kg trở lên. Lúc này lượng phân và nước thải khá nhiều, heo cũng có thói quen tiểu tiện, đại tiện tập trung một chỗ nên đệm lót rất dễ bị hư hỏng. Do đó, bà con cần áp dụng biện pháp để chúng không đi vệ sinh tập trung một chỗ. 
  • Đối với heo bị tiêu chảy cần cách ly ngay. Chỗ phân bị bệnh đi phải rắc vôi, phun chế phẩm men rồi vui nó sâu 30cm. 

Bảo dưỡng đệm lót

  • Khi thấy đệm lót có mùi của phân lên men, không có mùi thối thì nghĩa là nó đang hoạt động tốt. 
  • Nếu ngửi thấy có mùi phân, mùi thối thì quá trình lên men của đệm lót không được tốt. Lúc này bà con phải xới tung đệm lót với độ dày khoảng 15cm để cho đệm lót được tơi xốp, không kết mảng và duy trì độ ẩm đúng yêu cầu. Tiếp sau đó cần bổ sung thêm dịch chế phẩm lên men. Nếu nuôi số lượng theo quá lớn cần điều chỉnh lại mật độ nuôi cho phù hợp. 
  • Sau 1 đến 2 đợt nuôi heo nếu đệm lót có dấu hiệu giảm sút thì phải bổ sung thêm chất độn và chế phẩm men khoảng 5 đến 10%. 

6. Chống nóng mùa hè cho heo

  • Bà con nên lát gạch hay láng xi măng khoảng 1/3 diện tích chuồng để có chỗ cho heo nằm lúc nhiệt độ bên ngoài quá cao. 
  • Dùng quạt, phủ bạt lên trên mái, trồng cây xanh để giảm nhiệt độ.
  • Lắp hệ thống phun sương cho từng ô chuồng và trên mái nhà.
  • Mở toàn bộ cửa để đảm bảo không khí lưu thông.
  • Tăng cường trợ sức, trợ lực cho heo bằng cách bổ sung chất điện giải, B.Complex giàu vitamin C trong đồ ăn, thức uống cho heo. 

7. Cách sử dụng thức ăn chăn nuôi heo

  • Nên cho heo ăn một lượng vừa đủ, tránh thừa thãi lãng phí. 
  • Để tiêu hủy chất thải hiệu quả, kéo dài tuổi thọ đệm lót cần kết hợp thêm các loại thức ăn lên men hay men tiêu hóa. Cách làm này sẽ giúp giảm nước thải và độ thối của phân, tiết kiệm chi phí thức ăn, giảm tỉ lệ mắc bệnh và tăng hiệu quả chăn nuôi heo.

Trên đây là những thông tin cơ bản giúp các bạn hiểu rõ hơn về mô hình chăn nuôi lợn sinh học. Vậy, các bạn khi mua sắm tiêu dùng, hãy cân nhắc hơn trong việc chọn mua thịt lợn sinh học với thịt lợn thông thường nhé!

0 bình luận, đánh giá về Lợn nuôi bằng đệm lót sinh học

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi

Hỏi đáp sản phẩm

Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.12173 sec| 994.586 kb